Trong cùng công ty, có bao giờ bạn cảm thấy vô cùng khó khăn khi làm việc với nhân sự cấp dưới. Hoặc được 2 3 câu với đồng nghiệp là ai về chỗ người nấy. “Nói mãi nó méo hiểu, Thôi thì để tao tự làm cho xong!”. Đồng nghiệp ẩm ương chắc do thời tiết nhỉ. Mà cũng có thể chậm hiểu thật. Nói kỹ năng teamwork nó kém cũng không sai.
Teamwork kém – Đổ thừa bao giờ cũng dễ hơn nhận lỗi
Ngày trước, mình cũng thế, đổ thừa bao giờ cũng dễ hơn nhận lỗi. Rồi sao nữa… Kiểu 1 buông xuôi thì việc không trôi, không hoàn thành thì cả 2 cùng ăn đòn. Kiểu 2 thích chịu thiệt, thích ôm vào người, thiệt thân, rồi lại sinh ra ấm ức. Mình thuộc kiểu thứ 2, tiêu chuẩn cao, thích tỉ mỉ, cẩn thận, nên cấp dưới làm không tốt là ngứa mắt lắm. Mà lỗi này ban đầu bị nhắc thì mình cũng tự ái, bởi công việc chẳng những hoàn thành, mà còn rất tốt. Nhưng khi quy mô đội nhóm và công việc tăng lên, bắt đầu quá tải, nên cũng phải sửa thì mới nâng cấp bản thân được. Bằng không, cứ mãi luẩn quẩn ở cấp độ quản lý công việc.
Trong một doanh nghiệp, để hoàn thành 1 công việc lớn, hoặc 1 dự án, kỹ năng teamwork, giao tiếp công việc giữa cá nhân với cá nhân là điều đương nhiên. Và thường ở các công ty quy mô vừa nhỏ, chúng ta sẽ không được dạy điều quan trọng nhưng lại thường bị bỏ qua!
Làm thế nào để làm việc nhóm trôi chảy và hiệu quả?
Mỗi cá nhân chúng ta không ai giống ai, từ tính cách, cảm xúc, điểm mạnh yếu… Bởi vậy, nếu không ai chỉ dẫn, việc làm việc theo bản năng khi kết hợp với nhau rất dễ sinh ra những xung đột. Nếu như bạn muốn thăng tiến lên cấp độ cao hơn, từ nhân viên lên quản lý cấp trung chẳng hạn, thì cần phải học cách làm việc teamwork với đồng nghiệp của mình. Cấp độ cao hơn, bạn có thể quản lý và kết nối các thành viên trong đội nhóm.
1. Xác định mục tiêu công việc rõ ràng – cam kết với mục tiêu
Trong tất cả các công việc, tôi luôn nhấn mạnh, điều đầu tiên chúng ta cần phải có mục tiêu. Đây là đích đến cho công việc, và toàn bộ chúng ta phải tìm cách để đạt được nó. Như khi đi trên 1 con tàu, người chỉ muốn dừng lại ở 1/3 quãng đường, người chỉ đi hết 1 nửa, người chỉ đến 3/4. Trong khi đích đến chung lại là ở cuối cùng. Mỗi người muốn dừng chân một chỗ, thì làm sao có thể hoàn thành công việc được.
Điều này tai hại ở chỗ,sự khác biệt về mục tiêu, khiến tiêu chuẩn hoàn thành công việc cũng khác nhau. Sẽ hình thành suy nghĩ ở một số cá nhân: “Chỉ cần làm thế này thôi là được”. Bởi vậy, ở cương vị một người quản lý, tối sẽ luôn truyền thông đến toàn bộ nhân sự, để thống nhất mục tiêu. Của từng cá nhân, sẽ giống với mục tiêu của tập thể. Đích đến không phải là nhà ga nào đó, mà nó phải ở cuối con đường.
Và cuối cùng là sự cam kết. Cam kết hoàn thành công việc, cam kết thực hiện mục tiêu sẽ giúp các thành viên trong nhóm tận tâm, cống hiến hết mình hơn. Và gia tăng cơ hội thành công của dự án.
2. Xác định vai trò, quyền và trách nhiệm của từng cá nhân
Do tính chất công việc ở một số công ty khá đơn giản, nên có thể một số bạn nghĩ mình đang làm phức tạp vấn đề. Tuy nhiên, khi triển khai dự án với mục tiêu đủ lớn và thách thức, chúng ta không thể chỉ hoàn thành công việc theo cách thông thường.
Ví dụ, doanh thu trung bình của công ty duy trì đều đều 3 tỉ mỗi tháng. Trong tháng này ra mắt sản phẩm mới, và đây là sản phẩm tiềm năng tạo trend và có khả năng tạo nên đột biến. Nên ban lãnh đạo kỳ vọng doanh thu tối thiểu phải 6 tỉ. Mỗi cá nhân cần cố gắng hơn, tập trung hơn. Yêu cầu về công việc chắc chắn không thể giống với tiêu chuẩn hàng ngày phải không nào!
Từ khối lượng, đến tính chất công việc, trách nhiệm, quyền (quyền lợi) cũng sẽ cao hơn bình thường. Chắc chắn, vấn đề sẽ nhiều hơn, con đường đi không còn bằng phẳng. Vai trò, quyền hạn, trách nhiệm phải rõ ràng, minh bạch ngay từ thời điểm bắt đầu để mỗi cá nhân có thể cống hiến hết sức.
3. Giảm bớt cái “tôi”
Cái tôi hay còn gọi là bản ngã, là 1 phần vô thức trong tâm trí chúng ta. Cái tôi được dùng để chỉ cảm giác về “bản thân” của chúng ta. Gồm cảm xúc, suy nghĩ, ý thức về tầm quan trọng của bản thân chúng ta phản ứng với mọi thứ xung quanh. Đơn giản, một người có cái tôi cao luôn nghĩ mình quan trọng hơn công việc, cá nhân hoặc tập thể
Bản chất cái tôi không hề xấu, nếu nó ở mức vừa đủ. Điều đó giúp bạn tự tin hơn, thúc đẩy bản thân vượt qua khó khăn, nỗi sợ trước những thử thách trong công việc. Còn gì tuyệt vời hơn khi trước mỗi dự án lớn, trước 1 thử thách thật sự trong cuộc đời, bạn tự nhủ “Tôi có thể làm được”, “Tôi có thể vượt qua”.
1 liều thuốc “bản ngã” “vừa đủ” giúp để chúng ta phát triển mạnh mẽ, thậm chí vượt bậc. Nhưng nếu quá liều nó khiến chúng ta đề cao bản thân mình hơn người khác. Chúng ta trở nên kiêu ngạo, không lắng nghe người khác.
“Tao là nhất, tao luôn đúng“. Trong 1 doanh nghiệp, chắc hẳn chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều người như thế. Bạn nghĩ mọi người muốn làm việc với 1 người kiêu ngạo, KHÔNG BIẾT LẮNG NGHE không?
Hiểu sâu hơn về bản ngã – cái tôi tại đây
4. Phát triển kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp là chìa khóa quan trọng của teamwork. Kỹ năng giao tiếp là việc truyền đạt thông tin và suy nghĩ một cách rõ ràng thông qua lời nói và hành động. Ở bất kỳ công đoạn nào trong công việc: lên kế hoạch, trình bày ý tưởng, thuyết trình,… đều phải rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
Tuy nhiên, đây là một kỹ năng tổng quan, cần phải trau dồi và học hỏi liên tục, chứ không phải một sớm một chiều. Điều quan trọng đầu tiên, để làm việc được với nhau, bạn nên chắc chắn rằng, mình đã truyền đạt thông tin công việc một cách mạch lạc, rõ ràng.
5. Tạo môi trường khuyến khích sự tương tác
Điều đầu tiên, môi trường làm việc tốt là mọi người luôn được tôn trọng và cảm thấy được tôn trọng. Mỗi thành viên đều là một mắt xích không thể thiếu, nắm giữ vai trò quan trọng trong cả dự án. Hãy đảm bảo rằng mọi ý kiến luôn được tiếp thu và lắng nghe nghiêm túc. Mọi người luôn thoải mái để chia sẻ những ý tưởng và đóng góp cho dự án.
Không thể thiếu là những lời khen, động viên khi nhân sự hoàn thành tốt một phần công việc của mình. Nếu chưa tốt, cũng hãy luôn có những phản hồi tích cực và mang tính xây dựng. Đảm bảo rằng có sự ghi nhận kịp thời và đúng lúc những đóng góp của nhân sự.
Một món quà nhỏ, để ghi nhận ý kiến tốt và sáng tạo sẽ giúp thúc đẩy sự hào hứng của các thành viên trong việc đóng góp vì mục tiêu chung. Nếu bạn là một người quản lý, đừng bao giờ quên điều này nhé. Không cần phải quà đắt tiền, đôi khi một cốc trà sữa, một lời khích lệ công khai là đủ. Và hãy nhớ, liên tục thúc đẩy, khuyến khích các thành viên đưa ra ý tưởng!
Điều cuối cùng, mình thấy hữu ích và mang lại hiệu quả tốt. Đó là khi chúng ta đã có những ý tưởng tuyệt vời cho dự án, hãy cùng nhau phhana tích và đưa ra ý kiến đóng góp. Teamwork là làm việc cùng nhau, có nghĩa là mỗi thành viên đều có quyền được đưa ra quyết định và chia sẻ quan điểm của mình!